Dòng tiền được ví như dòng máu nuôi sống doanh nghiệp cũng như toàn thị trường. Vì vậy, việc theo dõi và quản lý dòng tiền cũng là điều vô cùng quan trọng, để đảm bảo được sự ổn định và bền vững của tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Sự dịch chuyển của dòng tiền trên thị trường
Quan sát trên đồ thị vận động các loại tài sản, đã có một sự dịch chuyển mạnh trong phân bổ tài sản trong chỉ vài tháng từ cuối năm 2023 đến đầu 2024. Những ngày đầu tháng 11.2023 là dấu mốc quan trọng khi chỉ số VIX thể hiện rủi ro của S&P 500 di chuyển vào vùng Suy yếu (màu vàng), cho thấy tâm lý tích cực, tự tin của các nhà đầu tư tại thời điểm đó.
Cơ sở của niềm tin này là kỳ vọng FED sớm hạ lãi suất được củng cố khi Mỹ công bố lạm phát thấp hơn dự báo. Theo sau đó, lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ 10 năm và chỉ số Dollar Index DXY đều giảm mạnh, di chuyển rời khỏi khu vực xa của vùng Tăng mạnh, thể hiện khẩu vị rủi ro của dòng tiền đã dịch chuyển sang nhóm các tài sản rủi ro hơn như trái phiếu, cổ phiếu. Đến tháng 2.2024, đa phần các chỉ số cổ phiếu đều đã tăng giá và đang nằm trong vùng Tăng mạnh, trong khi lãi suất trái phiếu Mỹ 10 năm, chỉ số Dollar Mỹ đều đang nằm trong vùng Giảm mạnh.
Tác động của thị trường tới dòng tiền
Cùng với kỳ vọng FED sẽ sớm hạ lãi suất trong nửa đầu 2024, dòng tiền cũng đã dịch chuyển sang các thị trường mới nổi EM (Emerging Markets) có mức rủi ro cao hơn. Trong suốt hơn 10 năm qua, thị trường mới nổi thường có mức lợi nhuận kém hơn so với các thị trường phát triển, kể cả với mức tăng trưởng tốt. Chỉ số S&P 500 đã liên tục chinh phục các đỉnh mới, trong khi VNIndex vẫn đang vật lộn quanh mốc đỉnh 1.200 của năm 2007.
Tuy vậy, Fitch Rating dự báo dòng tiền vào 9 thị trường mới nổi lớn nhất (EM9, trừ Trung Quốc) bắt đầu hồi phục từ Q3.2023 và sẽ đạt mức 200 tỷ USD, tương đương 2.2% GDP trong 2024, là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Các chuyên gia của Fidelity cũng khuyến nghị tăng tỷ trọng đầu tư vào các thị trường mới nổi, kể cả các sản phẩm ETF chung (như MSCI EM Index) hay riêng từng thị trường, cũng như đầu tư chủ động vào các thị trường tiềm năng có mức định giá hợp lý và kỳ vọng tăng trưởng cao nhờ các biện pháp nới lỏng của Chính phủ.
Có thể nói, mặc dù VNIndex trung tuần tháng 2.2024 và tháng 9.2023 đều nằm ngay trên mốc 1.200 điểm, nhưng với vị thế khác hẳn nhau do sự khác biệt trong khẩu vị rủi ro khi ra quyết định phân bổ tài sản của các nhà đầu tư trên toàn cầu. Dòng tiền ngoại cũng được kỳ vọng sẽ quay trở lại với thị trường Việt Nam – 1 thị trường có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mức định giá rẻ hơn khu vực, và đang thay đổi từng ngày để được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2025.
Dòng tiền đang chảy vào ngành nào đầu năm 2024
Không khó để nhận định 2024 là năm của dòng tiền dẫn sóng đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VNIndex, khi ngay từ đầu năm ngành ngân hàng đã có mức tăng giá vượt trội. Bức tranh tươi sáng ngành ngân hàng trong 2024 có nhiều gam màu tươi sáng, với thanh khoản cải thiện lớn từ 2023, hệ số CASA của các ngân hàng HSC phân tích quay trở lại ở mức trước Covid.
Bên cạnh đó, Ngân Hàng Nhà Nước có đầy đủ điều kiện để tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức trung bình 15% toàn hệ thống, với cầu tín dụng dự báo tăng cả từ bán lẻ và khối doanh nghiệp.
Ngoài ra, trọng tâm để đạt được mức tăng trưởng GDP trên 6% trong 2024-2025 (theo ước tính của HSC) đến từ sự hồi phục xuất khẩu và triển vọng FDI tăng mạnh. Theo đó, các ngành xuất khẩu (dệt may, thủy sản, gạo…) cũng như các ngành phụ trợ cho sản xuất như Bất động sản khu công nghiệp, Vận tải Logistic, Năng lượng (điện, dầu khí),…đều sẽ có mức tăng trưởng tích cực.
Một xu hướng đầu tư nổi bật được tiếp diễn từ 2023 là đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong 2024, với hàng loạt các dự án như đường cao tốc, dự án Sân bay Long Thành, các dự án điện và truyền tải điện, sẽ là mục tiêu của dòng tiền trong 2024.